11.9 C
Los Angeles
Friday, December 6, 2024
HomeCẢNH DẸPHÀNH HƯƠNG THÁNH TÍCH CÔNG GIÁO ROMA

Tin HOT

HÀNH HƯƠNG THÁNH TÍCH CÔNG GIÁO ROMA

- Advertisement -
Đây là bài viết tiếp tục của chủ đề HÀNH HƯƠNG THÁNH TÍCH CÔNG GIÁO ROMA – chuyên mục hướng dẫn gợi ý nơi tham quan độc đáo có ý nghĩa tâm linh văn hóa tôn giáo lịch sử nghệ thuật quan trọng cho những ai quan tâm đến ƠN TOÀN XÁ NĂM THÁNH 2025
Nhà thờ Đức Bà Dấu Chân, tiếng Ý là Chiesa di Santa Maria delle Piante, thì Dấu Chân ở đây không phải là dấu chân của Đức Bà Maria Mẹ Thiên Chúa, mà chính là dấu chân thánh tích của Chúa.
May be an image of 1 person, the Pantheon and Piazza di Spagna
Ủa, cái gì kỳ vậy? Chúa Giêsu ở bên Nazareth ở bên Jerusalem ở bên đất Do Thái mà, Chúa Giêsu nào có qua bên Roma bên thủ đô nước Ý bao giờ đâu? Có nhầm lẫn gì ở đây không? Thì chúng ta cùng đi vào nội dung chính của bài viết này.
Nếu bạn đã đến thăm Bảo tàng Vatican, dạo khắp các tòa cung điện bên trong trước khi dẫn đến Nhà nguyện Sistine, thì chắc chắn không thể không chiêm ngưỡng Hành Lang Khán Phòng Những Tấm Bản Đồ – kỳ công vĩ đại về kiến thức địa lý đương thời cũng như trần nhà kiệt tác Trường Phái Kiểu Cách hậu kỳ Phục Hưng. Đã có ai nói với bạn rằng, những bức hội họa trên trần nhà, tương ứng với từng sự kiện lịch sử diễn ra với từng tấm bản đồ hay chưa? Tức là, khi bạn dạo bước bái ngưỡng hết Sảnh Phòng Bản Đồ, bạn đang đi khắp chiều dài địa lý cũng như học hỏi văn hóa lịch sử của Ý nói riêng và nền văn minh Phương Tây nói chung. Những bức hội họa trên trần chính là những tập phim từng thước phim lịch sử phép màu sống động và các vùng địa lý của vùng đất Ý – vùng đất linh thiêng được ơn Quan Phòng bởi Chúa Kitô.
No photo description available.
Và tương ứng với tấm bích họa bản đồ của thành Roma, thì trên trần nhà là bức hội họa gì vậy? Đó chính là câu chuyện Lạy Chúa ơi, Thầy đi đâu thế? Hay trong tiếng Latinh, chính là DOMINE, QUO VADIS? Theo truyền thống Kitô giáo, trong cuộc truy bách bức hại các Kitô hữu của Nero Bạo Chúa, Thánh Phêrô Tông Đồ – Đức Giáo Hoàng đầu tiên, lúc này đã ở độ tuổi ngoài 60, phải chạy trốn và lánh nạn ra khỏi thành Roma chìm trong máu lửa và bắt bớ. Tông Đồ Phêrô đã chạy ra khỏi thành Roma bằng con đường Via Appia – ngày nay là đường cổ La Mã Via Appia Antica – con đường La Mã vĩ đại nhất và được xem là Con đường Nữ Hoàng của mọi con đường dẫn đến Roma và là Di sản thế giới UNESCO thứ 60 của nước Ý.
Khi chạy đến đoạn ngã ba đường, thì Phêrô Tông Đồ lại thấy Đấng Kitô cũng đang đi trên đường nhưng đi hướng ngược lại với mình. Việc chạm mặt Chúa hiển hiện rõ ràng mồn một ngay trước mắt như thế này khiến Phêrô khá bất ngờ và kinh ngạc, Tông đồ Phêrô bất giác liền hỏi, “Ủa Chúa ơi, Thầy đang đi đâu vậy?” (tiếng Latinh: DOMINE QVO VADIS?). Thì Chúa Giêsu liền trả lời với vị đại đệ tử của mình rằng: “Ta đang trở lại thành La Mã để chịu đóng đinh một lần nữa” (tiếng Latinh: VENIO ROMAM ITERVM CRVCIFIGI). Sau đó thì Chúa liền biến mất. Khi đó Tông đồ Phêrô đã ngộ ra được ý Chúa và hiểu được sứ mạng tử vì đạo của mình, ông đã đi bộ ngược trở lại vào thành Roma để chấp nhận bị quân La Mã bắt bớ và hành hình, bằng hình thức Đóng Đinh Chổng Ngược trên ngọn đồi Vatican – ngày nay chính là nơi tọa lạc của Đại vương cung thánh đường Thánh Phêrô tại Vatican.
May be an image of the Basilica of the National Shrine of the Immaculate Conception
Tại ngay vị trí mà linh hồn Chúa biến mất sau khi hiện ra gặp Tông đồ Phêrô, linh hồn của Chúa đã để lại dấu chân thánh tích nhiệm mầu in hằn lên đá, và từ ngay chính chỗ ấy, chúng ta có Nhà thờ Đức Bà Dấu Chân, lưu giữ nơi mà Dấu Chân của Chúa Kitô in hằn lên đất của Roma, trả lời cho thắc mắc Chúa sống tại Do Thái và chết tại thánh địa Do Thái, chưa bao giờ đến Roma mà làm sao lại có dấu chân Chúa tại Roma. Thì qua câu chuyện lịch sử truyền thống nổi tiếng này, hi vọng mọi người đã tỏ tường.
Cái tên Nhà thờ Đức Bà Dấu Chân, ý nghĩa là Nhà thờ cung hiến Đức Mẹ Maria ngay tại nơi Dấu Chân hiển linh của Chúa để lại, dù là tên chính thức của Nhà thờ nhưng không hề nổi tiếng, mà người ta biết đến nhiều hơn là Nhà thờ Chúa Ơi Chúa Đi Đâu Đó (Chiesa del Domine Quo Vadis) hay đơn giản là Nhà thờ Quo Vadis, dựa trên câu chuyện Kitô giáo nổi tiếng trên.
Theo truyền thống cho đến giữa Thế kỷ 19, trước mặt tiền của nhà thờ ghi dòng chữ:

NÀY HỠI CÁC LỮ KHÁCH ĐI ĐƯỜNG, HÃY DỪNG CHÂN LẠI, VÀ BƯỚC VÀO NGÔI ĐỀN THÁNH LINH THIÊNG NÀY NƠI MÀ MỌI NGƯỜI CÓ THỂ TÌM THẤY DẤU CHÂN CỦA CHÚA GIÊSU KITÔ KHI MÀ NGƯỜI GẶP PHÊRÔ TÔNG ĐỒ ĐANG CHẠY TRỐN KHỎI NGỤC TÙ. LỜI KHUYÊN NÊN CÚNG SÁP VÀ DẦU ĐỂ CẦU NGUYỆN GIẢI THOÁT MỘT VÀI LINH HỒN KHỎI NƠI LUYỆN NGỤC

Nhà thờ tọa lạc trên Đường cổ La Mã Via Appia Antica di sản thế giới UNESCO của thủ đô Roma, ngay tại ngã 3 đường, nơi mà con đường cổ La Mã Via Ardeatina rẻ nhánh tách khỏi đường cổ Via Appia, cách Cổng thành Thánh Sêbastianô khoảng hơn 800 mét. Bạn có thể bắt xe bus 218 từ Nhà thờ San Giovanni đầu bến, dừng tại trạm Quo Vadis, hoặc bắt xe bus 118 ngay trước mặt Đấu trường La Mã Colosseum, và cũng xuống xe tại trạm Quo Vadis để tới được thánh địa linh thiêng này.
Vào bên trong nhà thờ nhỏ đơn giản, nhưng lại không hề đơn giản chút nào. Bạn có thể thấy ngay bên trong nội thất nhà thờ, có con đường cổ lát đá La Mã xưa, chính giữa của con đường cổ đó có phiến đá cẩm thạch in hằn dấu chân của Chúa Kitô và để cho bạn biết được size giày cỡ chân của Chúa là cỡ số 44/45. Tuy nhiên, hiện tại đây chỉ là bản sao thánh tích mà thôi, thánh tích bản gốc của dấu chân phép màu in hằn trên đá của Chúa Kitô đang được bảo quản bên trong gian nhà nguyện Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo đệ Nhị tại Vương cung thánh đường Thánh Sêbastianô Ngoài Thành – 1 trong 7 Vương Cung Thánh Đường Hành Hương truyền thống mà mình đã đề cập ở những bài trước, và sẽ nói kỹ hơn trong những bài sau, mọi người hãy đón đọc. Bên trong nhà thờ nhỏ linh thiêng này, có thể dễ dàng thấy các bức họa về Phêrô Tông Đồ chạy nạn đã gặp Chúa Kitô trên đường, bức họa về Chúa Kitô bị đóng đinh và Thánh Phêrô bị đóng đinh ngược. Ngoài ra, nơi đây còn có các vật thánh tích của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô đệ Nhị. Còn có một bản sao điêu khắc tượng Chúa Sống Dậy của Michelangelo bên trong nhà thờ.
Tóm lại, Nhà thờ Đức Bà Dấu Chân, hay Nhà thờ Chúa Ơi Chúa Đi Đâu Đó – DOMINE QUO VADIS – là một thánh đền linh thiêng mà những người Kitô hữu đến hành hương Roma không nên bỏ qua, và là một ứng cử viên nặng ký trong danh sách lịch trình để mọi người đầu tư nhiều thời gian hơn ở Roma để hành hương, dù là đặc biệt Năm Thánh hay thời gian bình thường, thì chính nơi đây chứa đựng ý nghĩa tầm vóc quan trọng lớn lao vĩ đại đối với những ai là người Công giáo nói riêng hay Kitô hữu nói chung.
May be an image of text
Tất cả các hình ảnh dưới đây, dù có hay không có 2 con chiên Timmy, đều là chính chủ do mình chụp trực tiếp bằng điện thoại, không có hình ảnh nào mượn trên mạng cả, chụp tại đường cổ La Mã Via Appia Antica di sản thế giới UNESCO, chụp bên trong Thánh Đền linh thiêng nơi diễn ra câu chuyện Quo Vadis.
Lời sau cùng, bài viết này mang tính đặc thù để chia sẻ về chủ điểm Hành Hương Công Giáo Roma cho những tín hữu đến thăm Roma và có quan tâm đến Ơn Toàn Xá Năm Thánh 2025. Cảm ơn mọi người đã quan tâm và đọc bài – một bài viết khá dài đòi hỏi sự chú tâm và kiên nhẫn, và hẹn mọi người đón đọc những bài viết tiếp theo của chuyên mục. Mình xin nói rõ mình không phải là người có đạo, và cũng không có dự định theo đạo trong tương lai, tuy nhiên để hiểu sâu về Rome cũng như tình yêu đối với kiến thức văn hóa lịch sử nghệ thuật của Rome nói riêng hay nền văn minh Phương Tây nói chung, thì không thể nào bỏ qua sự am hiểu về Kitô giáo, và thế mạnh quan tâm của mình chính là những chủ đề liên quan đến văn hóa lịch sử nghệ thuật. Chúc mọi tín hữu có chuyến hành hương đến thủ đô Roma và đất nước Vatican nhiều kỷ niệm, nhiều niềm vui, an toàn và trọn vẹn ý nghĩa.
Thụ – local sống tại Roma, Italia – Rome, Italy xin chia sẻ bài viết LẠY CHÚA CHÚA ĐI ĐÂU ĐÓ và DẤU CHÂN THÁNH TÍCH trong loạt bài đặc biệt về Hành Hương Công Giáo Roma đến với mọi người.
Visited 1 times, 1 visit(s) today
- Advertisement -

Cần Độc Thêm

Mới Cập Nhật